Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Laval, ngày đầu thu

Nhóm 13 người chúng tôi đến Québec vào một ngày đầu Thu, tháng 9, 1963, ngơ ngác bước xuống tàu, chưa biết phải làm gì, đi đâu vì chẳng thấy ai đến đón cả. Thời gian chờ đợi có lẽ chỉ là 5, 10 phút nhưng đối với chúng tôi thật dài . Cuối cùng rồi các anh cũng xuất hiện. Anh Định, anh Rê, anh Mười Lăm,... Phần các chị  (Cúc, Hoa, Loan, Sen, Xuân) được đón đi trước, chắc chắn là đến chỗ ở an toàn. Riêng 7 người chúng tôi (Dương, Huy, Liêu, Long, Tâm, Thoại, Xuân), ngoài Kiện đã có anh Định lo, thì được chở về Biermans Moraud.
Theo như lời dặn của viên chức Plan Colombo ở Ottawa mà chúng tôi hiểu lỏm bõm thì lúc đến nơi sẽ có người đi đón và đưa về phòng nội trú. Chuyện đi đón theo các anh thì tự nguyện nhiều hơn là bắt buộc. Còn về chuyện phòng nội trú thì hoàn toàn không có, nhất là vì tình hình bất an trong nước đã làm chúng tôi đến muộn khoảng một tuần. Như vậy là chúng tôi không biết ngày mai và ngay cả tối hôm nay sẽ trú ngụ ở đâu. Dù sao thì cũng còn một an ủi là các bậc đàn anh bắt đầu tụ lại để hỏi han các người mới đến. Thỉnh thoảng có một người đi đến và hỏi: “ai là Nguyễn văn X”. Thế là bạn X đã có “bà con” và chắc là ít nhất cũng có chỗ tạm trú đêm nay.
Sau những thăm hỏi nhộn nhịp lúc đầu, mọi người, nhất là những người mới đến, đã bắt đầu mệt mỏi và một vài người đã bắt đầu theo "bà con" về ngơi nghỉ. Riêng tôi thì không biết phải làm gì, đi đâu nên vẫn đành ngồi lại phòng khách, xem ra phải qua đêm ở đó, lòng nặng trĩu không biết ngày mai sẽ ra sao. Bỗng nhiên nghe tiếng xôn xao ở cửa ra vào và một người hộc tốc đi vào vừa đi vừa hỏi "có người mới đến hả? Ở đâu?". Hình như bên ngoài đã có người chỉ dẫn trước nên anh ta đi thẳng lại chỗ của tôi và hỏi:
--Anh là người Huế phải không?
Nghe giọng nói tôi biết ngay anh ta cũng là người Huế. Thật là quá tốt, không có bà con thì tìm được đồng hương cũng tạm an ủi. Không những thế trông mặt anh ta rất quen. Bỗng nhiên tôi buộc miệng:
-- Có phải anh là Tuệ không?
-- Anh có quen biết với tôi lúc ở Huế?
-- Không. Nhưng tôi rất thích thể thao và đã từng xem anh đánh bóng bàn ở trường Quốc học.
Tuệ có vẻ thích thú vì gặp nhau xa nửa vòng trái đất vẫn có người còn nhớ tài đánh bóng bàn của anh. Có lẽ nếu không có những thắc mắc cấp thiết hơn thì có thể chúng tôi sẽ còn nói về bóng bàn hàng giờ nữa. Tuy nhiên Tuệ đổi đề tài và hỏi:
-- Lần này từ Huế có bao nhiêu người đi? Họ ở đâu rồi?
-- Chuyến này chỉ có ba người, hai nữ và một nam. Một người đã ở lại Montréal (Âu thị Minh Nguyệt) và một (Nguyễn thị Sen) thì đã được các anh khác đưa về chỗ trú ngụ rồi.
Như vậy là tôi cũng có người để tạm nhận là "bà con" và sau đó thì câu chuyện nổ dòn, không ngoài những chuyện về xứ Huế cũng như những biến động trong mấy tháng vừa qua. Dù sao không khí cũng vui tươi hơn trước đây chút ít tuy lòng tôi vẫn nặng trĩu lo âu về ngày mai nhưng cũng không dám hỏi vì theo các anh khác thì chúng tôi sang đây quá trễ nên các phòng nội trú đã được phân phối hết rồi. Không ngờ là sau một lúc chuyện trò, Tuệ bỗng hỏi:
-- Thế đã có phòng nội trú chưa?
-- Chưa?
-- Tôi có người bạn đã thuê phòng nhưng lại định dọn ra ngoài nên muốn nhường phòng lại.
Tuy nhiên ngày mai anh ta mới dọn ra, có được không?
Tôi không thể tưởng tượng tảng đá ngàn cân đè nặng lên tôi lại có thể được quẳng đi dễ dàng như vậy.
-- Được, được. Chờ một ngày thì đâu có vấn đề gì, nhưng có chắc chắn không?
-- Chắc chắn.
Bỗng nhiên có một giọng nói từ sau lưng tôi :
-- Anh còn phòng nào nữa, thuê giùm một phòng được không?
Quay lại nhìn phía sau, tôi thấy cả căn phòng khách bây giờ đã vắng, chỉ còn vài ba người ngồi trong góc. Tôi nhận ra người vừa đặt ra câu hỏi, ngồi bên cạnh tôi là Long. Trong chuyến bay từ Saigon đến Hồng Kông, Long ngồi bên cạnh tôi. Thành thật mà nói, tôi không có cảm tình mấy với anh chàng này. Trước hết anh ta cứ gọi tôi là “bồ”. Đối với người Huế thì “bồ” có một ý nghĩa đặc biệt và dứt khoát là tôi không muốn làm bồ của anh ta. Không những thế, lúc tôi muốn gợi chuyện để cho qua thì giờ thì anh ta cứ hỏi dồn dập “Bồ nói cái gì? Bồ nói cái gì?”. Làm như tôi nói tiếng thượng du không bằng. Tuy nhiên vào lúc này thì tôi hoàn toàn thông cảm mối lo nặng trĩu của Long và nhìn Tuệ như dò hỏi.
--Phòng thì thiếu gì nhưng hiện tại chưa có. Ngày mai tôi sẽ kiếm và sẽ cho biết.
Tuệ trả lời một cách miễn cưởng.
Chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện khoảng chừng 10 phút thì Tuệ bỗng giật mình hỏi:
--Thế tối nay ngủ ở đâu?
--Chắc là ngủ tạm ở phòng khách này chờ ngày mai lấy phòng.
--Không được đâu, chắc là ông concierge không chịu. Anh ngồi chờ một chút để tôi đi kiếm xem
thử có chỗ không?
Tôi cũng hơi thầm phục anh chàng Tuệ này nhưng cũng không mấy tin tưởng lắm. Làm sao có thể tìm phòng tạm cho một đêm ngoại trừ bạn bè thân thiết cho ngủ chung. Chừng khoảng 10 phút sau thì Tuệ trở lại cho biết là có phòng rồi nhưng phòng hơi chật nên phải chịu khó một chút. Đối với một người mới từ Việt Nam sang như tôi thì có phòng là thần tiên rồi. Từ nhỏ đến lớn tôi cũng chưa hề có một phòng cho riêng mình bao giờ nên chật hẹp hoàn toàn không phải là vấn đề. Long lại lên tiếng hỏi:
--Anh có thể kiếm thêm một chỗ ngủ cho tôi được không?
Tuệ hơi ngần ngừ:
--Chỉ có một phòng và chỉ có một cái giường “ét” mà thôi
Long ngẩn người ra hỏi:
--Là giường... gì?
Đã nói chuyện với Long trong những ngày qua, tôi biết anh ta nghe giọng Huế còn chưa xong huống hồ là những thổ ngữ “đặc sệt” Huế như vậy nên vội giải thích:
--Là giường chỉ đủ cho một người ngủ mà thôi
Tuệ nói tiếp:
--Thật ra thì giường có 2 tấm nệm và tụi này vẫn thường trải một tấm xuống đất để có thể ngủ 2 người thoải mái. Tuy nhiên vì đây là phòng của anh bạn y tá cho nên có mấy cái tủ thuốc trong phòng và không còn chỗ để trải nệm xuống đất. Chỉ còn cách là một người nằm dưới đất hoặc là 2 người nằm chung trên giường, cũng khá chật chội.
Tôi và Long cũng không còn chọn lựa nào khác là vào trong phòng thuốc rồi sẽ tính sau, dù sao cũng còn tốt hơn nhiều so với việc ngủ ở phòng khách. Tuệ chia tay ra về nhưng cũng không quên nhắc là sáng phải dậy sớm để anh bạn y tá có phòng làm việc.
Đúng như Tuệ đã mô tả, vì có kê mấy tủ thuốc nên phòng không có chỗ để trải nệm xuống đất và sàn nhà thì khá lạnh nên chúng tôi chỉ còn cách là ngủ chung. Giường cũng khá chật tuy nhiên từ nhỏ tôi cũng thường ngủ chung với người em trai trên một chiếc giường chỉ hơi rộng hơn giường này chút ít nên không có vấn đề gì.
Sau một ngày mệt nhọc, tôi nằm xoay mặt vào tường cố dỗ giấc ngủ. Nhưng làm sao có thể ngủ được đây sau một ngày nhiều biến động và lo lắng. Long chắc cng cùng tâm sự nên cứ trăn trở. Tôi quay người lại hỏi:
-- Ngủ không được hay sao? 
-- Tui buồn quá bồ ơi. Chán quá !
-- Chuyện gì bắt đầu thì cũng có khó khăn, rồi cũng sẽ qua đi. Đừng lo gì cả. Nếu ngày mai tôi có phòng thì hai đứa mình ở chung. Không có mấy tủ thuốc thì trải tấm nệm xuống đất còn rộng chán. Thôi, ngủ đi mai còn phải dậy sớm trả phòng cho người ta và ghi danh đi học nữa.
Tôi lại quay mặt vào trong cố tìm giấc ngủ. Dường như Long cảm thấy hơi yên tâm hơn một chút cho nên từ từ nằm xuống.  
Và cả hai chúng tôi thiếp đi lúc nào không biết, chấm dứt ngày đầu tiên ở Laval.

khắc Huy
Tháng 5/2013


2 nhận xét:

  1. Hay.
    Cả một trời thương nhớ.

    Viên.

    Trả lờiXóa
  2. Huy ơi!
    Viết rất hay, đọc rất thú vị và vui. Làm sao mà còn nhớ tất cả chi tiết sau 50 năm? Long có phải là TBLong?

    Trả lờiXóa