Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Đất Lạnh và tôi, ngày xưa



Đất Lạnh và tôi, ngày xưa

Giang
Ngày 18 tháng 8 năm 2007
Bài này đã được đăng vào khoảng giữa tháng 8 trên blog Đất Lạnh 2007. Nhưng ít lâu sau đó, theo yêu cầu của tác gỉ, bài đã bị lấy xuống. Vì vậy có rất nhiều đọc giả  đã không thưởng thức được tác phẩm đượm nhiều ý nghĩa này. Sau gần 6 năm với "vật đổi sao dời", BBT đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả để mang trở lại cho đọc giả Đất Lạnh bài viết này.
Tôi ở Đất Lạnh không lâu.
Hai năm, ba năm.
Rồi đi, đi không xa. Hơn ba, bốn mươi năm mới về.
Ở không lâu mà vẫn nhớ.
Thì ra, ở đời, không cần phải lâu mới giữ lại được trong lòng mình những kỷ niệm xưa, vui có, buồn có.
Xa Đất Lạnh thật lâu.
Ở bên cạnh đó sao không về?
Gần mười năm nay, có lúc đưa bạn bè về thăm trường cũ.
Thăm Laval, Đại Học Laval, thật ra để thăm lại Đất Lạnh của mình ngày xưa.
Vẫn cột cờ, có mấy con chim, vàng đỏ.
Vẫn ba cư xá, không biết đã đổi tên chưa, ngày xưa gọi là Moraud, Lemieux, Parent.
Cả résidence của ai.
Nhớ.
Nhiều lắm.
Nhớ báo Carabins.
Nhớ Résille cuối tuần,...
Nhớ người ngày xưa.
Rồi nói nho nhỏ với mình, bắt chước Đinh Hùng:
Hôm nay tôi lại về chốn này, nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ.
Mới hè, đâu lá nào đã rơi.
Năm ngoái, về thăm Đất Lạnh, đi qua Đại Học, đi từ Moraud qua nhà thờ, muốn nói với những sinh viên đi qua,
Voyez-vous, j'étais ici il y a quarante ans.
Ai có thì giờ để nghe mình nói.
Lúc đó, xa Đất Lạnh để mưu sinh.
Quên.
Quên cảnh, quên người.
Cảnh Québec những ngày đó còn hoang sơ lắm.
Québec lúc đó có gì lạ đâu em.
Lại mượn văn nữa rồi.
Chờ bao nhiêu giờ mới thấy bus Cité Universitaire đến để đi từ Haute ville về Basse ville.
Haute ville có Đại học, Place Laurier, Miracle Mart, Steinberg, có nhà nơi ai ở trọ ngày xưa, có hiệu tạp hóa gần tháp TV, mỗi lần có tiền, mấy đứa rủ nhau đi mua bia, salami, laitue về phòng đình đám. Basse ville trên đường St-Vallier có Canton, quán ăn Tàu, thực đơn tiếng Việt in Ronéo, thức ăn Việt do các anh chị đến mấy năm trước chỉ cách nấu cho chủ quán.
Ông bà chủ cọc cạch: ông chủ Tàu lúc đó đã thượng thọ còn bà chủ Còi tuổi chưa bốn mươi, nhan sắc chưa nhạt phai nhưng sao đôi mắt buồn.
Chắc cũng có thế thôi, hay có đường Scott, dọc theo St-Jean, song song với Ste-Gabrielle, nơi sống gần một năm, lúc bắt đầu có mộng thoát ly đời cư xá.
Quên thì lúc đó phải quên nhiều lắm. Quên những bài hát đầy tình tự hay thất tình của tuổi hai mươi: Kiếp Sau, Bên Kia Sông, Đây Bài Thơ Cuối Cùng,... để trên đường đi làm ở quán ăn, nghe lải nhải từng giờ mấy câu Expo, Expo của Stéphane Venne viết cho Expo 67.
Phải đó là cơn gió lốc đang kéo mình ra khỏi đời sinh viên?
Còn quên người, nói vậy, sao mà quên.
Anh lại nói sai rồi.
Đây bài thơ cuối cùng là lời hát, chứ không phải là tựa đâu.
Ừ. Nhưng được lời, mất ý. Được ý, quên lời.
Con người cũng thật hay, nói quên nhưng thật ra là nhớ.
Thôi, tôi quên Đất Lạnh rồi.
Bảo quên đâu đã dễ gì quên.
Tôi đến với Đất Lạnh như thế đó.
Tôi đến Đất Lạnh, những năm đầu thập niên sáu mươi, lúc ở trong nước, thời cuộc còn tranh tối tranh sáng, đảo chính, chỉnh lý, xuống đường và những chuyện pháp nạn, đi biểu tình để bảo vệ các thầy.
Hai mươi năm tuổi trẻ biết cảnh chùa ra sao.
Thế rồi cũng phải theo lối xóm đi biểu tình. Mặt ngơ ngác, đứng dưới nắng chang chang cả ngày. Mới biết cái áp lực của đám đông, psychologie de masse, les chèvres de M. Séguin, effet d'enchainement,...
Cuộc đời học sinh, ngày rằm và mồng một nào cũng phải nghỉ học.
Đâu phải để đi chùa. Cha mẹ bán đậu hũ ở chợ. Ngày rằm, mồng một, cha động viên đàn con ra chợ, chị bán, em chiên đậu. Sau đó, đậu còn lại đem làm chao, ngon lắm.
Ngày rằm, mồng một đem lại lợi tức cả tháng cho gia đình.
Những đứa đến Đất Lạnh với tôi năm đó, tuổi đứa nào cũng có thể gọi là tranh tối tranh sáng: nếu không thành nhân, không khéo có khi thành phiến loạn nữa cũng không chừng.
Mấy tháng đầu, năm mới đến, cũng tạm yên vì đứa nào cũng phải lo học, trường mới, ngôn ngữ mới. Học khoa học, bên cạnh để quyển tự điển Pháp-Việt Đào Văn Tập và Danh Từ Khoa Học Hoàng Xuân Hãn như bùa hộ mệnh.
Đến Giáng sinh, sinh viên địa phương về nhà của họ, mấy anh sinh viên du học được gom về sous-sol pavillon Moraud để trường dễ quản lý. Sau một hai ngày ăn không ngồi rồi, bắt đầu thấy ngứa tay, đang lúc muốn làm cái gì lại nghe một đề nghị hấp dẫn: Chúng mình nên viết báo tụi mày ạ.
Nhớ ngày ở Chu Văn An, gần Tết, các trường bạn đến bán báo Xuân.
Mấy cô Gia Long nói cho qua rồi đi. Độc giả của họ là học trò Petrus Ký.
Nhưng khi mấy cô Trưng Vương tới, sao mặn mà làm sao.
Một lần có cô nói:
"Báo Xuân Trưng Vương năm nay có nhiều bài thơ hay lắm.
Mùa Xuân mùa Xuân rồi,
Người thương người thương ơi..."
Thế là các anh móc túi lấy tiền mua báo.
Hồi đó, đâu đã nghe đến chữ Marketing, sao cô bán báo giỏi quá.
Thôi, chẳng có gì lạ dưới cõi đời này.
Nhưng Tổng hội SVVN tại Québec đã có báo Đất Lạnh, làm tờ khác ai đọc?
Phải nói Việt Nam ta ở đâu cũng nhất cả.
Ở Laval lúc đó có khoảng 30 sinh viên, ít hơn Montréal 20 người, nhưng không chịu thua: Đã có Hội, phải gọi là Tổng hội mới được.
Chẳng biết có anh nào trong nhóm tôi, nói làm sao để anh chủ bút Đất Lạnh không những không kiểm duyệt nội dung, còn dành cho một phần riêng trong báo.
Được nhận đăng bài tốt quá nhưng viết gì đây?
Phan phụ trách Điểm báo. Anh chàng không cao, người xứ Quảng, từ lúc đến Québec, đi salle de lecture của cư xá nhiều hơn đến lớp; đọc Paris Match, Time, Life, Newsweek nhiều hơn học notes de cours Physique atomique của Pr Larkin Kerwin;
Triều bình luận Chính Trị;
Lang viết về Hiện Sinh, trích dẫn Sartre, Gabriel Marcel, Camus, Heidegger,... nhưng không ai hiểu hắn viết gì.
Cũng có những mục không thể thiếu như Sớ Táo Quân, Tìm Bạn Bốn Phương, Thư Bạn Đọc.
Bài nhiều nhưng vẫn thiếu một bài gì có vẻ tình tự, một câu chuyện tình: tình yêu, tình phụ, tình đầu, tình giận hờn, tình học trò,... Đâu có ai thương, hay đâu dám thương ai, nên biết gì để viết chuyện tình. Mấy cô đi cùng chuyến, chỉ một tuần sau đã có Mustang, Valiant dẫn đi Lac Beauport, Ile d'Orléans ngắm cảnh mùa thu rồi.
Nhìn lại trong bọn, theo tướng số, hình như đứa nào cũng có thể thành trí thức, nhân sĩ.
Vậy mà chẳng đứa nào có vẻ nhà thơ, nhà văn để viết được một vài câu ướt át "cho vừa lòng em".
Rồi một hôm Điệp mang nộp một bài cậu ta gọi là tùy bút, mang cái tựa xa vời, Kỷ Niệm (!!!). Nội dung không gì lạ: hai cô cậu quen nhau rồi xa nhau.
Bài viết như bức thư của một anh thất tình viết cho người yêu, gọi thư tình hay tùy bút cũng được. Tôi còn nhớ câu cuối, hình như là:
Anh sẽ ghi nhớ mãi, hình ảnh người con gái, lần đầu tiên anh gặp và anh đã từng yêu tha thiết trong đời.
Điệp viết văn xuôi cứ như làm thơ.
Thế là, báo của tụi tôi đã có đủ hỷ, nộ, ái, ố rồi.
Sau khi báo phát hành, nhiều người hỏi anh chàng thất tình đó là ai.
Chuyện làm báo Đất Lạnh lần đầu tiên ngày xưa đại khái như thế.
Rồi gian díu với nhau bao nhiêu năm.
Tôi nhớ bài Ca Huế tựa là Tương Tư, Thanh Tâm hát:
Chút nữa ra về
Có dang dở chi không.
Dang dở với Đất Lạnh lúc đó và cho đến bao giờ.
Về sau Đất Lạnh ra thường hơn.
Có người biết và bài gởi về nhiều hơn.
Một hôm, trong số bài nhận được có một bài thơ đến từ xa, Saskatchewan hay Alberta.
Cũng một bài thơ tình: Hai người quen nhau rồi xa nhau. Lần này người làm thơ là con gái.
Thơ gởi về đều lắm.
Để rồi quen thói, mỗi lần đến giờ tombée của tờ báo mà không nhận được bài thơ miền Tây thì cứ cố chờ.
Thời gian đi qua mau.
Sống với nhau vài năm sau đó mỗi đứa đi một nơi.
Phần đông tìm cách học cao hơn; một số tìm việc làm, lúc đó khó lắm. Có đứa học xong về nước. Mỗi đứa một cuộc sống, bị lôi cuốn theo cơn bão lốc của số mệnh đời mình.
Lang bây giờ đi công quả ở chùa hay đó chỉ là cái cớ.
Điệp lâu lâu viết tùy bút hay dịch chuyện, thường là chuyện tình, tan nhiều hơn hợp. Cả quyển tiểu thuyết hắn cô đọng lại năm, mười trang nhưng ý chính vẫn không mất. Cha mẹ sinh con, đặt cái tên cắt cớ đó làm gì để cả đời Điệp đi tìm Lan!
Giống nhau lắm nhưng đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.
Chơn, ngày xưa trước người đẹp, nói lấp bấp, bây giờ đứng đấu lý trước mấy chục anh tiến sĩ Đại Hàn rồi bọn chúng phải chịu thua. Học trò Ph.D. của Chơn nhiều lắm nhưng mỗi lần có việc về nước, ở chưa hết ba ngày hắn đã chạy.
Bó thân về với triều đình.
Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao.
Uyên vẫn đi làm bồi. Lao động là vinh quang.
Quả tình đời người có số. Thành công hay thất bại, chuyện đó cũng thường.
Năm ngoái có đứa về VN, tìm mấy bạn vong niên thuở Đất Lạnh ngày xưa, đứa gặp đứa không.
Có đứa làm hồ nuôi cá, khi cá lớn cho người ta đến lấy không tính tiền vì hắn chỉ muốn cất một cái chòi trong hồ rộng để câu cá lúc trăng lên.
Trần, cũng người Đất Lạnh thuở tranh tối tranh sáng ngày xưa, tính cương trực, từng ở trong ban chấp hành ngày nào.
Học xong về VN liền. Mười mấy năm nay ở tù chung thân, hình như cái tội là không biết... phải không. Năm 2006, vợ con đến khách sạn phải trình bao nhiêu giấy tờ ở Lễ Tân mới gặp được bạn của chồng. Con trai hai mươi mấy tuổi, mười mấy năm không có cha. Mắt buồn nhưng vẫn còn tin có ngày cha về.
Anh ạ, chồng em mà đi tù thì cả nước phải đi tù[1].
Hôm nay, có ai hát bài Chiều Tây Đô với tôi không?
Ngày xưa, thuở uống bia, ăn salami, gọi thức ăn ở Pen Mass, khi bạn bè chén chú chén anh, Trần và Điệp kéo nhau đi dịch sách!
Dịch cả câu chuyện của Tourgueniev mà hình như những câu dịch báo trước số mệnh của Trần:
Giờ đây khi bóng chiều bắt đầu bao phủ đời tôi, còn gì tha thiết hơn...(À présent que les ombres du soir commencent à envelopper ma vie, que me reste- t-il de plus cher...)
Đoạn còn lại để ai còn nhớ người bạn Đất Lạnh ngày xưa thì đi tìm.
Đối với tôi chắc cũng vậy.
Giờ đây khi bóng chiều bắt đầu bao phủ đời tôi, tôi đi Ottawa, Toronto, Québec, Sherbrooke..., kể chuyện Đất Lạnh tìm những bạn ngày xưa.
Chuyện của Trần người ta nói dễ thôi. Biết cách thì cũng xong.
Tiếng Việt sao nhiều nghĩa quá.
Chánh ở Toronto bảo người con gái làm thơ miền Tây đã có chồng.
Hầu Montréal lại nói khác:
Cô ấy đi tu từ lâu rồi, mới gặp lại hôm rằm tháng sáu.
Tôi ở Đất Lạnh không lâu.
Hai năm, ba năm.
Rồi đi, đi không xa. Hơn ba, bốn mươi năm mới về.
Ở không lâu mà vẫn nhớ.
T. ơi, ai xưa về đây.
Có ở đó, mà chờ,
chờ nhau.
Giang.
tháng tám năm 2007.




[1] (1) Bạn Trần của Chiều Tây Đô đã không còn dịp dự Retrouvailles với chúng ta nữa rồi, anh đã ra đi lúc còn ở trong tù đến nay đã sắp giáp năm (tháng 10 2010)...

1 nhận xét:

  1. Bài tho râ't hay, mênh mang tình nguoi. Ca'c anh chi. em ho.c Laval hay sô'ng miên Dâ't la.nh phai do.c qua môt lân

    Trả lờiXóa