Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Mùa Thu Hà Nội, mùa Thu Saigon, mùa Thu Montréal

BTP
Hôm nay đang là mùa Thu ở Montréal nên tôi muốn tâm sự một chút về những nhận xét và cảm nghĩ của tôi về mùa Thu.
                                                                                                                        
Tôi được sanh ra  ở Hà Nội và sống ở đây mười bảy năm. Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Saigon và tôi sống ở đó hai mươi mốt năm. Tôi đến Montréal tháng 5 năm 1975 và ở đây cho đến ngày hôm nay. Vì thế, tự nghĩ là mình đã từng sống khá lâu tại Hà Nội, Saigon và Montréal nên đã có nhiều lần được: “Nhìn những mùa thu đi…’’ tại những nơi này. Tôi muốn ghi lại một vài cảm xúc cũng như kỷ niệm tại ba nơi này về mùa Thu.

Khi bắt đầu biết được có sự hiện diện của mình ở trên đời, tôi chỉ là một bé trai khoảng 3, 4 tuổi. Bố mẹ tôi đông con và chúng tôi chưa đến tuổi đi học, cho nên tôi và cô em gái kém tôi một tuổi được bố mẹ tôi đưa về quê sống với ông bà Nội và Ngoại với sự trông nom của một bà vú già. Sau này chúng tôi khi ở quê, khi ở Hà Nội tùy theo nhu cầu của gia đình cũng như việc học hành.

Quê tôi là làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Gọi là quê nghe rất xa xôi nhưng thực ra làng quê tôi chỉ cách Hà Nội có chín cây số đường xe chạy. Đứng trên đê làng, tôi có thể nhìn rõ đèn điện trên con đường bờ sông của thành phố Hà Nội. Thực ra làng tôi chỉ cách Hà Nội có một con sông, đó là sông Hồng Hà.

Giống như nhiều ngôi làng khác ở miền Bắc Việt Nam, làng tôi có một nếp sống rất êm đềm. Làng tôi rất giống như được mô tả trong bài hát: “Làng Tôi’’ của nhạc sĩ Chung Quân: “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lững vờn quanh, êm xuôi về Nam…’’
           
Làng tôi nằm ở mé trong của con đê bên bờ sông Hồng Hà. Khúc đê này chạy dài từ tận đâu thì tôi không biết rõ nhưng biết được có đoạn từ đầu cầu Long Biên tới quá Tỉnh Hưng Yên.

Trong những năm còn nhỏ tôi được sống giữa thiên nhiên đầy cây cỏ.  Bố mẹ tôi có một trang trại rất lớn với nhiều cây ăn trái đủ loại và ba cái hồ trồng sen rộng mênh mông nên tôi có dịp thấy những đổi thay của vạn vật quanh mình. Vì hồi ấy còn quá nhỏ nên hầu như tôi chẳng có một chút ý niệm nào về bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông! Tuy nhiên khi mùa Thu đến, khí trời bắt đầu se lạnh và những cơn gió nhẹ đưa khí lạnh luồn lách qua làn áo mỏng làm tôi run rẩy, co ro thì hiểu là có cái gì đổi thay trong không gian quanh mình. Mới hôm nào hoa  sen còn nở đầy giữa đám lá  xanh, thắm mặt hồ. Mùi thơm của lá sen vương toả rất nhẹ trong không gian và thường tan biến nhanh khi mặt trời bắt đầu lên cao. Muốn thấy được cái mùi thơm nhè nhẹ này, cách  thực tế nhất là tìm uống phần nước mưa còn đọng trên hũng của những đài lá sen  vào những buổi sớm. Nước thật ngọt, mát và thoang thoảng thơm mùi lá sen. Khi mùa Thu tới và khi khí trời đã khá lạnh cảnh hồ sen ôi thật là tang thương! Mới hôm nào lá còn xanh, hoa còn đỏ đầy hồ, thì hôm nay  hoa lá ấy đã bị khô quắt, khô queo mang một màu xám xịt. Nước hồ hôm nào mát rượi, nay đã trở nên lạnh lẽo và xa cách vô cùng. Thu đến, cây cối trên mặt đất không  thấy thay đổi nhiều, có chăng chỉ một vài loại cây ít chịu được khí lạnh nên có chút thay đôỉ về màu sắc  nhưng không phải toàn diện cả một cây, hay cả một vùng như ở vùng ôn đới.
  
                                                                       
Một trong số những cây bị thay đổi màu sắc một phần mà không toàn diện là cây Bàng. Khi mùa Thu đến, một số nhỏ lá Bàng bị đổi màu và rụng xuống. Những ngày Thu xa xưa ấy, tôi thường thơ thẩn tìm một vài cái lá Bàng rụng, chọn những lá có màu sắc đẹp nhất, to, dầy và dĩ nhiên phải lành lặn. Lá Bàng thường khá dày và khí lạnh mùa Thu đã làm cho nó chuyển sang màu đỏ ối, đỏ tiá chen lẫn vài chỗ màu vàng và có thể có những vệt màu nâu nữa. Mép lá thường co lại về phía lưng lá, làm phần bụng lá ưỡn ra trông rất đày đặn. Như một nghệ nhân tí hon, tôi dùng tay xoa bụng lá vào áo len nhiều lần và chỉ  vài phút sau, tôi có những tấm lá Bàng tuyệt đẹp vì màu sắc rung cảm và mặt lá bóng lộn như một món đồ trang sức. Hạnh phúc là đây: là đã có trong tay những kỳ công tuyệt vời của tạo hóa với sự đóng góp nhỏ nhoi nhưng tài ba của nghệ nhân tý hon này. Sân trường làng tôi có tới sáu cây Bàng già. Mỗi cây tôi đều đặt cho một cái tên. Tôi thích nhất là cây Bàng «Đường» vì trái của nó rất ngọt, rất ngon. Khổ nỗi, gốc cây này to và chỉ có cành ở mãi trên cao nên không có cách nào leo lên được. Thôi thì chờ ăn trái Bàng rụng vậy. Cũng ngon lắm đấy nhưng trong lòng có hơi ấm ức. Tôi thường dùng gạch hay đá đập vỡ từng hột Bàng để lấy cái nhân trắng ở bên trong. Phải nói, cho đến tận bây giờ tôi chưa thấy một thứ hột nào ngon như cái nhân trong hột trái Bàng.

Sân trường mùa Thu khô queo và nứt nẻ như bị hạn hán. Những gốc Bàng với đám rễ túa ra và nhô lên khá cao khỏi mặt đất, tạo thành những hốc tối làm cho cái sân trường đó vốn dĩ rất thân thương với tôi nay hình như xa lạ. Những hạnh phúc nhỏ nhoi ấy của tôi đã chấm dứt vào một ngày đầu Thu khi tôi bị chuyển ra Hà Nội để đi học.

Tại Hà Nội, gia đình tôi cư ngụ trong một căn nhà gạch hai tầng trên con phố Lò Sũ. Đây là một con phố tương đối nhỏ. Bố mẹ tôi ở tầng dưới, phía trước là cửa hàng đồ gỗ. Tất cả anh em chúng tôi ở trên lầu. Tôi theo học ở một trường tư thuộc nhà Chung cạnh nhà thờ Lớn, Hà Nội.

Đầu phố tôi ở là phòng Thông Tin ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Khi đi học tôi thường đi một quãng bờ hồ, phía có ga xe điện rồi quẹo qua phố Hàng Trống, phố nhà Thờ là tới trường. Cũng có khi tôi đi phía ngược lại của bờ hồ, qua cửa đền Ngọc Sơn, qua nhà Bưu Điện, quẹo phải qua cửa bóp cảnh sát Hàng Trống, quẹo trái vào đường nhà thờ là tới trường. Lối đi này xa hơn một chút nhưng phong cảnh đẹp hơn.

Những năm đó mải vui đời học trò nên tôi cũng chẳng để ý đến thời gian cũng như các mùa Xuân, Hạ ,Thu , Đông gì cả. Một hôm cô em gái tôi nói là muốn tôi đưa nó ra bờ hồ để nhặt mấy cái búp đa. Búp đa là cái áo tơi che các lá non khỏi bị tổn hại trong tiến trình hình thành những cái lá. Vào đầu Thu những cái áo tơi gọi là búp đa rơi rụng đây đó quanh gốc cây. Trẻ con, nhất là các bé gái ở tuổi em tôi thích nhặt những búp đa này. Thuở ấy những đồ chơi, đồ giải trí cho con nít khá hiếm, vả lại chúng tôi làm gì có tiền mua những thứ cầu kỳ mà chơi. Con nít nhặt búp đa và dùng móng tay hoặc mũi dao nhỏ tách hai lớp vỏ thành hai cái màng dính nhau ở mép vòng quanh của búp và dùng hơi thổi cho nó căng phồng lên. Cái thú chỉ đơn giản là thế thôi nhưng thời ấy hình như cô học trò nào cũng chơi như vậy. Thời tiết mùa Thu Hà Nội cũng khá lạnh và khô mà ta hay gọi là hanh. Mùa Thu có nắng đẹp mà lạnh, người ta gọi một cách thi vị là Nắng Hanh Vàng. Nếu đã từng là dân Hà Nội thời đó, ai cũng biết có một cái thay đổi  rất dễ nhận ra vì rất  phổ biến đó là màu sắc rực rỡ của  những chiếc áo len của các cô gái Hà Thành trên đường phố Hà Nội mỗi độ Thu về. Đúng ra, thuở đó mọi người ăn mặc không diêm dúa, đa dạng như ngày nay cho nên màu áo len của các cô làm không khí thành phố dường như có hội vậy.
   
Tôi dẫn em tôi ra cái cây đa ngay gần xế cửa nhà Bưu Điện, không xa đền Ngọc Sơn là bao. Trước khi đến chỗ cây đa, chúng tôi thấy dưới gốc cây Lim (có người gọi là xà cừ. Thực ra Lim và xà cừ là hai loại cây cùng một họ. Riêng tôi không phân biệt nổi hai loại cây này) có khá nhiều sống lá cây gỗ Lim rơi rụng khắp đó đây. Những sống lá rụng xuống cũng vì khí lạnh mùa Thu. đây có  ba cây Lim cao chót vót. Gốc cây cỡ hai người ôm không hết. Những sống lá này khá dài, khoảng sáu chục phân, trông thật thích mắt. Sống lá này rất dai, không thể bể gãy được.Tự nhiên nhìn đám sống lá này, tôi thấy rất thích nên nhặt khoảng một chục cái dù chẳng biết để làm gì, trước khi đưa em tôi tới chỗ cây đa. Sau khi em tôi nhặt được một nắm búp đa, chúng tôi dẫn nhau trở về, lòng khấp khởi mừng vui. Chúng tôi tung tăng trong  những bước chân Sáo vì cả thành phố chan hòa ánh nắng Hanh Vàng.
     
Khi vào nhà, tôi bị gọi lên lầu vào một góc nhà. Một người lớn trong nhà không nói một lời rút một sống lá Lim mà tôi vừa nhặt về, vụt tôi túi bụi vào lưng và bọng chân. Tôi còn bị những cú đá bằng giày Bottine vào tibia (phần xương phía trước bọng chân). Cho đến mãi tận ngày hôm nay, tôi cũng không hiểu tại sao tôi bị đối xử như vậy. Cũng may thể chất tôi không đến nỗi tệ cho nên chân chưa gãy. Cái niềm hạnh phúc nhỏ nhoi và đơn sơ của chúng tôi trong một ngày mùa Thu đẹp tuyệt trần đã đưa đến cái không may và vô lý đến cùng cực. Bố mẹ tôi không hề đánh con cái, làm gì các cụ cho quyền người khác đánh tôi như vậy. Đây là sự lạm quyền nham nhở của một con người bệnh hoạn. Vả lại các cụ cũng đâu có biết tôi bị hành hạ như vậy! Đây cũng không có một chút gì gọi là giáo huấn vì ngay cả bị đòn còn chẳng biết tại sao! Loại đòn này tôi thường phải chịu một cách vô lý nhưng  lần này  nặng hơn. Có lẽ tại tôi chưa đủ sức tự vệ trước một con người lớn hơn tôi rất nhiều. Hắn có cái thú hành hạ người khác và tôi  chỉ là một con mồi ngon! Cái kỷ niệm tồi tệ này trong một ngày Thu tuyệt đẹp của Hà Nội chẳng hiểu nó còn đeo bám tôi tới tận bao giờ!

Ngày hôm sau, thấy tôi ngồi buồn thiu trong một góc nhà, em tôi hỏi tôi: Ông có đau không? Tôi trả lời: Tao không đau đâu nhưng tao tức lắm. Nó nói nhỏ: Sao tôi ghét thế không biết! Chúng tôi hiểu cái người nó ghét không phải là tôi.

Cơm, gạo làm tôi lớn phổng. Tôi đua đòi bạn bè tập tạ nên không bao lâu sau thân hình nở nang. Từ đó tôi chỉ thỉnh thoảng bị hục hặc một chút nhưng không bị đối xử như trước nữa.

Cuối năm 2005 tôi về thăm Hà Nội. Tôi đi tìm mấy cây Lim cũ nhưng nó đã bị chặt mất từ bao giờ, không còn chút dấu vết nào nữa. Nếu nó còn đó, chắc chắn nó cũng đâu có biết tôi đã bị đau đớn vì những sống lá của nó. Tôi đi một vòng bờ hồ để quan sát thì thấy chỉ còn hai cây Lim ở gần bót Hàng Trống. Hai cây này rất nhỏ nếu so với mấy cây Lim ngày xưa mọc xế cửa nhà Bưu Điện Hà Nội. Ôi vật đổi, sao dời và cuộc đời tôi cũng đã thay đổi rất nhiều.
    
Mùa Thu ở miền Bắc và miền Trung của đất nước tôi có những đổi thay về thời tiết và cây cỏ khá rõ rệt. Ngay cả những thanh âm thường thấy ở mùa Hè như tiếng ve hay ngay cả tiếng chim hót cũng đều tắt lịm khi mùa Thu đến. Nói đến mùa Thu trên phần đất Bắc và Trung mà không nhắc đến cái nỗi buồn man mác, vô cớ của con người mà ta thường cảm thấy khi Thu về là thiếu sót vô cùng. Xuân Diệu ghi lại cái cảm xúc lâng lâng buồn không nguyên cớ trong một chiều Thu bằng một bài thơ trong đó có hai câu:

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn…

Bài thơ Thu Điếu hay còn gọi là bài Mùa Thu ngồi câu cá của cụ Nguyễn Khuyến là một tác phẩm tuyệt trần, có một không hai vì cụ gói ghém tất cả: khung cảnh,màu sắc, cảm xúc,tâm trạng và cả thanh âm  của mùa Thu:

Ao Thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ Trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam sau Hiệp Định Genève 20/7/1954. Bố tôi làm công chức và khi vào Saigon được bổ về làm trên phi trường Tân Sơn Nhất. Sở mới của bố tôi nằm trong vòng rào phi trường Tân Sơn Nhất, chuyên lo xây dựng tất cả các phi trường trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Hồi đó người Pháp rút lui khỏi Việt Nam nên có nhiều chỗ làm trống và nhiều căn nhà cấp cho công chức Pháp được trả lại. Bố tôi được cấp hay nói cho đúng tự cấp cho mình một căn. Nhà và vườn rất rộng, khá khang trang, nhất là có rất nhiều cây hoa cũng như cây lớn. Căn nhà chúng tôi ở, nằm giữa một vùng rộng lớn nhiều cây cỏ nhưng có rất ít nhà ở cho nên tôi có nhiều cơ hội để thấy mùa Thu đã đến với cây cỏ và làm thời tiết đổi thay như thế nào ở Saigon.


Ai đã từng ở miền Nam nước Việt chắc cũng biết khí hậu ở đây chỉ có hai mùa: Mùa nắng và mùa mưa. Mùa mưa từ tháng năm tới tháng mười và mùa nắng từ tháng mười một đến tháng tư. Vì thế khi trái đất quay quanh mặt trời, thì mùa Thu vẫn có ở mọi nơi nhưng ở miền Nam phải có cảm xúc nhạy bén và một chút quan tâm về thời gian ta mới thấy được một chút khang khác trong không gian khi mùa Thu về. Mùa Thu cây cối vẫn thấy xanh tươi, chẳng thấy rõ được cái tĩnh lặng, cái khô héo, cái sơ xác điêu tàn của vạn vật nhất là của cây cối... Vẫn biết lá không tồn tại mãi trên cây nhưng sự đổi thay diễn ra chậm và âm thầm, không đồng loạt, nhất là màu lá gần như không thay đổi cho nên chẳng ai để ý là miền Nam cũng có mùa Thu. Cũng không nhất thiết lá cây chỉ rụng hàng loạt trong mùa Thu. Khi mùa Xuân đến, cây me trổ lá rất nhiều. Lá me nhỏ và có màu xanh nhàn nhạt, trông tựa như những hạt cốm vòng. Cây me có có những tán lá. mỗi tán lá có những tàu lá. Tàu lá me nhỏ như cọng tăm, dài khoảng mười phân Tây. Lá me mọc đối diện nhau trên những cọng của tàu lá tạo nên hình dạng hơi cong cong rất đẹp mắt có thể ví như hình dạng lông mày người phụ nữ. Vào mùa Xuân, vạn vật trổi dậy sau những tê tái của mùa Đông, thì những lá me non như quá sung sức, quá vội vàng, trổ ra rất nhiều. Chúng chen vai thích cánh nhau, tranh sống. Điều này làm cho rất nhiều lá me bị rụng non. Đôi khi có rất nhiều búp lá non cũng bị rụng. Phải nói là lá me non vào đầu Xuân rụng rất nhiều. Khúc đường Nguyễn-Bỉnh-Khiêm, từ cổng chính của Thảo Cầm Viên Saigon chạy dài qua cửa trường Nữ Trung Học Trưng Vương cho đến tận khúc quanh với bờ tường sở Ba Son, cây me được trồng rất nhiều. Mùa Xuân nào cũng vậy lá me non xanh như những hạt cốm rơi đầy khúc đường này, cho dù chỉ cần một cơn gió nhẹ. Lá me non rơi nhiều đến độ thoạt nhìn ai cũng ngỡ người ta phơi cốm trên hè phố. Lá me rụng nhiều làm những cô nữ sinh của trường Trưng Vương đôi khi cũng phải khó chịu.

Gió ơi, gió hãy ngừng đi
Lá me rơi rụng khác gì…cốm bay
Gió đưa me lá loay hoay
Chui vào kẽ tóc, dính đầy áo bay
Vụng về, tay ngọc xua ngay
Cặp nâng quá trán, mày dài nhó, nhăn
Gió ơi, gió chớ hung hăng
“Ai” mà giận dữ gió hằng vui sao?...

                                                   (BTP)

Không rõ hàng cây me này do ai đã quyết định cho trồng nhưng rõ ràng rặng me này đã tạo được một khung cảnh nên thơ, tươi mát rất đúng chỗ. Lá me non rụng nhiều nhưng chẳng hẳn trời đã sang Thu !

Mùa Thu Saigon lá me cũng đổi màu và cũng rụng. Những cây có dạng lá giống như lá me như cây Điệp, cây Phượng Vỹ…lá cũng đổi màu và cũng rụng khi Thu về. Có lẽ lá những cây này nhỏ, số lượng lá rụng không nhiều nên khó gây sự chú ý của mọi người .                    

Ai cũng biết theo Dương Lịch thì mùa Thu bắt đầu khoảng 21 tháng 9 và chấm dứt vào khoảng 21 tháng 12 mỗi năm. Như vậy mùa Thu vừa nằm trong mùa mưa và vừa nằm trong mùa nắng. Không khí mùa hè ở Saigon thì vừa nóng lại vừa ẩm. Cái oi bức của Saigon trong những ngày giữa mùa Thu  đã giảm đi  và ban đêm trở nên mát mẻ hơn nhiều. Người ta chỉ nghĩ là trời hôm nay mát hơn mấy hôm trước nhưng chẳng nghĩ rằng Thu đã đến rồi. Mùa Thu của Saigon chỉ có chút thay đổi vì nhiệt độ hàng ngày hạ xuống được vài độ. Chúng ta không thể mong chờ ngọn gió heo may luồn lách và đưa cái không khí se se lạnh vào cơ thể mình  qua làn áo mỏng. Nắng thì ở đây lúc nào cũng sẵn có nhưng chờ cho có được cái khô ráo, cái se se lạnh trong cái nắng cũng còn khá rực rỡ là khó lắm! Cũng khó có thể nhận thấy nắng hôm nay có là nắng hanh vàng hay không. Nếu có một chút quan tâm, ta sẽ thấy nắng hôm nay có dịu hơn, nhưng thiếu đi cái khô khan, cái điêu tàn và cái se se lạnh thường có của mùa Thu. Nếu mong chờ một mùa Thu có nắng hanh vàng và có gió heo may ở Saigon thì chúng ta đang mong chờ một điều không thể có, ngoại trừ những đổi thay khí hậu như hiện nay có thể sẽ cho phép chúng ta trồng được cây cọ trên đường phố Montreal và biết đâu đấy sẽ chẳng có tuyết ở Cà Mau. Nếu chuyện tưởng tượng trên thành hiện thực thì lúc đó chúng ta ở đâu nhỉ? Rõ là khéo lo!!! Tóm lại trong một cái nhìn bao dung thì Saigon của tôi có mùa Thu. Trong cái nhìn khắt khe Saigon chưa bao giờ có mùa Thu cả. Gió heo may và nắng hanh vàng là những thứ quá tuyệt diệu cho một mùa Thu đầy lãng mạn, nên thơ nhưng tôi không hiểu có bắt buộc phải có nó thì mùa Thu mới là mùa Thu. Viết đến đây tôi thấy tôi và ông Ba Phải có vẻ đồng quan điểm với nhau lắm lắm!

Mùa Thu Saigon có những ngày trời mưa tầm tã. Ngồi trong nhà nhìn ra mưa, ta bỗng có cái cảm giác quạnh hiu và thiếu vắng một một cái gì, một bóng hình nào đó. Cái u buồn, cái hiu quạnh do mùa Thu mang đến cho tâm hồn mẫn cảm của một con người đa sầu, đa cảm có thể làm ta lây lan cái cô đơn, hiu quạnh một cách dễ dàng. Hãy nghe Đặng-Thế-Phong đưa ta vào thế giới của âm thanh và khung cảnh Thu trong “Giọt mưa Thu’’:                                  
« Ngoài hiên giọt mưa Thu thánh thót rơi.
Trời lắng u buồn mây hắt hưu ngừng trôi.
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa Thu ai khóc ai than rằng...»

Những ngày Thu Saigon có nắng thì phải nói không có nắng Hanh Vàng mà cũng chẳng có gió heo may như ở Hà Nội. Tuy nhiên nắng Thu của Saigon cũng có cái đẹp của nó. Nó có thể làm hồn ta lãng đãng, chơi vơi, chập chờn và làm ta cảm thấy có một nỗi buồn vô cớ xâm chiếm tâm hồn mình, làm ta hầu như quên cả thực tại nhộn nhịp của Saigon.

Những đêm Thu Saigon mà trời không mưa thì bầu trời trong vắt. Bầu trời hầu như rất thấp và có rất nhiều sao, không thể đếm xuể. Bầu trời Thu Saigon khác rất nhiều nếu so sánh với Montréal. Mùa Thu Montréal về đêm nhìn  lên trời chỉ thấy hun hút như cao lắm, xa thăm thẳm. Cái cõi mênh mông, hun hút đó rồi ra chúng ta cũng sẽ phải đến thôi. Đặc biệt nhìn bầu trời Thu Montreal tôi chỉ thấy lác đác vài ngôi sao! Không lẽ nền trời tại Montreal xa hơn nền trời Saigon thân thương của tôi hay sao?

Ai bảo Saigon không có mùa Thu?

Từ ngày sang sống ở Montréal, tôi có một ý niệm rất rõ về bốn mùa, nhất là mùa Thu và luôn luôn thấy thời gian trôi qua rất nhanh.

Vào cuối tháng 9, tức là đầu mùa Thu, lá của một vài loại cây đã bắt đầu đổi màu. Những cây có lá đổi màu sớm thường là đổi sang màu vàng. Nhưng hình như mỗi cây cho ta một màu vàng khác nhau dù rằng cùng một giống. Tôi thích nhất loại lá vàng màu tươi và trông như có vẻ mỏng hơn và hơi trong trong. Chậm hơn cỡ cả tháng trời lá mới đổi màu là cây Phong. Cây Phong cho ta rất nhiều màu khác nhau. Lá phong có thể có màu đỏ tươi, có màu đỏ tía, có màu vàng, thôi thì đủ màu. Nhiều khi trên cùng một cây lại có những đám lá còn xanh chen lẫn những đám lá đỏ, lá vàng. Mùa Thu ở Montréal đúng là thiên đường của màu sắc, do lá cây đổi màu. Có những nơi quanh Montréal, nổi tiếng vì những khu rừng có nhiều lá đổi màu rất đẹp như Mont Tremblant, St Sauveur v.v. Vào mùa lá đổi màu du khách đến chơi mấy nơi này rất đông. Dân Montréal thường cũng góp phần rất đông trong đám du khách đi coi …lá.

  
Mùa Thu còn làm một vài loại cây không phải chỉ có lá mà ngay cả những cành cây cũng thay đổi màu nữa. Một vài giống cây khi mùa Thu tới, những cành cây trở nên có màu xậm, đen mun, trông giống như được bọc bằng nhung đen, tuyệt đẹp.
  
Cây cỏ khi Thu về đều trở nên héo tàn, xơ xác thậm chí khô quắt. Mặt đất cũng xác xơ khô queo. Mùa Thu cũng có hoa nhưng chỉ là những bông hoa lẻ loi giữa cảnh tàn tạ nên trông rất lạc lõng, tội nghiệp và chẳng ai có lòng thưởng thức nó. Mùa Thu cũng có nắng nhưng trời càng lạnh khi nắng đẹp. Đây chính là nắng hanh vàng nhưng lạnh hơn mùa Thu Hà Nội của tôi nhiều. Mùa Thu Montréal dĩ nhiên cũng có gió nhưng không biết tôi có nên gọi là gió heo may hay không vì thường gió khá mạnh và quá lạnh, không phải cái gió hây hây của Hà Nội. Cụ Nguyễn Du có câu văn bất hủ:

... Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…
     
Cảnh vật trong tâm trạng của một người buồn có thể cũng đẹp lắm đấy nhưng chắc chắn không thể nào là cảnh vui được.
     
Cảnh mùa Thu không thể là cảnh vui. Mùa Thu là mùa thiên nhiên đi vào tĩnh lặng. Làm như bao nhiêu cái thanh âm ồn ào của những ngày hè cũng bị cái khí Thu đưa vào tĩnh lặng mất rồi. Thu về, vạn vật đổi thay rất nhanh. Bao nhiêu cái tươi tốt, rực rỡ của mùa Hè tan biến đi nhường chỗ cho những tan hoang, xơ xác, điêu tàn. Cái giá lạnh đầu Thu thường làm cho ta cảm thấy  hiu quạnh, cô đơn, làm như quanh ta chẳng còn có ai. Cái lẻ loi ấy khiến ta thèm nghe một tiếng nói, thèm nói một lời, thèm gập gỡ một người bạn, một người quen. Phải chăng mùa Thu đã mang đến cho mọi người một tâm tình cởi mở hơn, rộng lượng hơn và do đó cũng là lúc thuận lợi nhất để con người biết tha thứ và thương yêu nhau. Cảnh buồn đôi khi lại mang đến cho chúng ta cái ấm áp của tình người. Có phải vì vậy mà nhà văn Trà Lũ gọi Canada là xứ lạnh tình nồng đó chăng?
                                      
Montréal một ngày đầu Thu 2013


BTP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét