Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Nhớ về một chuyến bay

(Để tưởng niệm các bạn đồng hành, đồng khóa đã ra đi: sư cô Thanh Quang, chị Nguyễn Thị Vượng, anh Vũ Kiện, anh Nguyễn Thành Lâm)

Đã nhiều lần tôi có dịp ghé qua phi trường quốc tế Vancouver nhưng chỉ rất vội vàng để chuyển máy bay mà thôi. Sáng sớm hôm nay, trên hành trình về lại Toronto-Kingston, được rộng rãi thì giờ nên tôi đã lên tầng trên của phi cảng để ngồi ngắm những chiếc máy bay đủ mọi kiểu, tựa như những con chim khổng lồ đủ màu sắc đang tranh nhau lượn lên lượn xuống các phi đạo. Trong phút giây tôi như chợt bắt gặp lại hình ảnh của một nhóm sinh viên du học, gần nửa thế kỷ trước, đang co ro cúm rúm trong những chiếc par-dessus dài chấm gót, tay xách hành lý, đang lội bộ vô cổng phi trường. À bây giờ nghĩ lại tôi không hiểu sao thời dó Canada còn « chậm tiến » dữ vậy? Hành khách đến từ một chuyến bay quốc tế vượt Thái Bình Dương mà phải “cuốc bộ” từ sân bay để vào cổng phi trường!

Tôi nhớ rất rỏ, vào đầu tháng chín năm ấy, năm 63, trời không mưa không nắng, bầu không khí khá im lìm nhưng rất nặng nề – oi bức, dường như thủ đô Sài Gòn và vùng Gia Định – Chợ Lớn đang hồi hộp lo âu chờ đợi một trận cuồng phong, có thể  mạnh đến  cấp 5, đang từ từ kéo đến! Lịnh giới nghiêm đã được ban hành, và Bộ Nội Vụ được lịnh đình chỉ việc cấp giấy xuất cảnh cho các du học sinh. Nhóm Colombo 63 chúng tôi mọi thứ đã chuẩn bị xong và đang nóng lòng chờ đợi giấy xuất cảnh để lên đường đi Montréal – Québec – Sherbrooke, cho kịp ngày tựu trường. Buổi chiều hôm ấy, tôi đã ‘lái’ chiếc Velo-Solex (một phương tiện giao thông thịnh hành thời bấy giờ)  từ bên kia Cầu Bông chạy sang gặp và ‘bàn tính chuyện’ với anh bạn Phạm Đình Chỉ (Poly), anh Chỉ đang ở trọ tại tư gia của giáo sư Phạm Đình Ái, khoảng góc đường Mạc Đĩnh Chi – Hồng Thập Tự. Sau một lúc bàn bạc, tôi và Chỉ đã rủ nhau ‘lái xe’ dọc theo đường Công Lý đi về hướng phi trường Tân Sơn Nhứt, với mục đích là đến để hỏi thăm tin tức nơi chị Trần Thị Hoa (sau này là sư cô Thanh Quang, đã về nơi Niết Bàn vào mùa thu năm 2012). 

Lên máy bay, 1963-09-03 Tân Sơn Nhất - Huy, Hoa, Sen, Thích
Có lẽ vì đã đi theo hướng phi trường nên chúng tôi đã gặp được may mắn chăng? Chỉ chừng một hay hai ngày sau, ngày 06 tháng chín (dựa theo trí nhớ của anh bạn Trần Bữu Long), nhóm Colombo 63 đầu tiên, gồm hơn 20 trong số khoảng gần 40 học sinh được cấp học bổng năm đó, đã khởi hành. Đa số đi Laval, còn lại đi Sherbrooke và vài người ghé lại Montréal. Buổi chiều hôm ấy trời nắng đẹp, phi cảng Tân Sơn Nhứt dường như rộn rịp hẳn lên với đông đảo bà con bạn bè của nhóm sinh viên du học chúng tôi: Bao nhiêu ánh mắt trìu mến, bao nhiêu lời dặn dò tạm biệt lúc chia tay…Mặc dầu trong thâm tâm mọi người chúng tôi ai cũng nghĩ rằng: chỉ xa quê hương có 4 năm thôi rồi sẽ quay về giúp nước, sum họp gia đình, sau khi học xong bằng kỷ sư. Vậy mà, bao nhiêu là nước-chảy-qua-cầu, riêng đối với cá nhân tôi, rất nhiều người thân đến tiễn chân tôi chiều hôm ấy - đã là lần cuối chia tay !!

Trụ sở Plan Colombo Ottawa, 1963-09-07
Độ sau ba giờ bay, chúng tôi đã đến Hồng Kông, xứ sở của các danh thủ đá banh thời bấy giờ như: Hoàng Chí Cường, Diêu Trác Nhiên... Chiếc bus đưa nhóm chúng tôi về nghỉ chân một đêm ở khách sạn Miramar, một khách sạn khá sang trọng thời bấy giờ, tọa lạc trên một ngọn đồi cao. Những năm gần đây tôi có dịp quen biết một số bạn trẻ đến từ Hồng Kông, và tôi đã hỏi thăm xem họ có biết cái khách sạn rất quen thuộc đối với dân Colombo chúng tôi.  Duy nhứt chỉ có một người bạn khá lớn tuổi, kể với tôi rằng khách sạn ấy đã đi vào quá khứ rồi, theo quy luật thời gian mà! Trong vòng độ chừng mười năm, khách sạn Miramar mỗi năm đã đón tiếp một nhóm du học sinh Colombo đến từ Sài Gòn (tôi không biết các bạn người Lào hay Cao Miên thuộc chương trình Colombo có tạm trú nơi này không?) Miramar đã phát sinh rất nhiều câu chuyện thật buồn cười, chẳng hạn như: có một anh sinh viên muốn ăn món thịt vịt quay, nhưng không nhớ tiếng Anh kêu làm sao, anh ấy bèn dương đôi cánh tay lên quạt quạt mấy cái và miệng thì kêu “chicken.. cạp-cạp”! Còn một anh khác khi được anh bồi phòng dẩn đến thang máy để lên lấy phòng ở tầng trên, khi cánh cửa thang máy vừa mở ra, anh ta trông thấy bên trong thang máy khá rộng rãi, bèn hỏi anh bồi phòng có phải đây là cái phòng của tôi không?.. Buổi tối hôm ấy nhóm chúng tôi đã làm một vòng mua sắm những món hàng Âu Châu – Á Châu với giá tương đối rẻ, có người đã mua được hàng thiệt và có người thì vớ phải đồ giả! (Vào thời đó $1 US đổi được $10 HK). Đến xế chiều hôm sau nhóm chúng tôi được xe bus chở ra phi trường HK để tiếp tục hành trình bay sang Tokyo và Vancouver. Chiều hôm ấy có một kỷ niệm vui: trong nhóm chúng tôi có hai chàng rất hào hoa - lịch lãm: Nguyễn Dương và Trần Khánh Thoại, hai anh này xém chút nửa đã trể chuyến bay vì đang bận bịu với ca khúc “lên xe tiễn anh đi – chưa bao giờ buồn thế …” của các kiều nữ Hồng Kông!

Đi thăm Ottawa, 1963-09 Xuân, Vượng, Hoa, Thu Lan, Tâm, Long
Đến Tokyo khoảng tám giờ tối, chúng tôi phải ngồi đợi đến khuya mới tiếp tục chuyến bay dài vượt Thái Bình Dương sang Vancouver. Tôi không nhớ rỏ máy bay loại nào, có lẽ Boeing 707 hoặc DC9, hai kiểu máy bay rất nổi tiếng vào thời đó. Hành trình vượt đại dương có lẽ dài hơn 11 tiếng, với tâm trạng nhớ quê nhà cộng thêm nỗi bâng khuâng lo lắng sắp sang nơi xứ lạ quê người, đa số chúng tôi chắc đã khó tìm được giấc ngủ! Cũng may là nhóm chúng tôi khá đông nên cũng đở cảm thấy lạc lõng, và nhứt là trong nhóm có hai bạn Vũ Kiện (Québec, đã vĩnh viễn ra đi hồi mùa hè năm 1998) và Vũ Công Điệp (Montréal) khá thông thạo tiếng Anh (chắc hai anh đã theo học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ) nên trong suốt hành trình hai anh đã tự động làm hướng dẫn viên chính thức cho nhóm chúng tôi. Độ khoảng 1 giờ trưa ngày hôm sau (giờ Vancouver) máy bay đáp xuống phi trường Vancouver vào một ngày nắng đẹp, bầu trời trong xanh, nhưng sao khá lạnh, chắc khoảng +20 oC. Vậy là mọi người lôi ra cái par-dessus bằng nỉ dầy cộm khoác lên người, thật đúng hình ảnh của những người mới đến từ vùng nhiệt đới. Tôi còn nhớ trong khi làm thủ tục giấy tờ di trú, một ông nhân viên đã hỏi ông bạn bên cạnh vậy chớ đại học Laval, Québec là ở nơi đâu, có phải thuộc xứ Canada của chúng ta không? Tôi nghĩ chắc vào thời bấy giờ phương tiện di chuyển quá khó khăn, phương tiện truyền tin cũng hiếm, hơn nửa xứ Canada rộng lớn mênh mông cho nên một người dân bản xứ mới đặt một câu hỏi tương tợ! Những bước chân nơi phi trường Vancouver đã là những bước lê gót đầu tiên của tôi trên miền Đất Lạnh của Bắc Mỹ. 

Gare xe lửa Ottawa, 1963-09-09
Sau đó chúng tôi đã đổi chuyến bay để về Toronto sau khi ghé ngang phi trường Winnipeg. Sau cùng chúng tôi lại chuyển sang một máy bay khác nhỏ hơn để về thủ đô Ottawa, trú ngụ tại Hotel Lord Elgin (dựa theo tin tức tình báo của anh Dương Tâm Chí thì Hotel này vẫn còn hiện hữu tại thủ đô Ottawa). Hôm sau cả phái đoàn đã đến trình diện « nhập ngũ » ở bureau của Monsieur Gagnon, đại diện cho Plan Colombo. Nơi đây chúng tôi đã được huynh trưởng Nguyễn Ngọc Định đón tiếp, chỉ dẫn vài điều cần thiết để cho nhóm đàn em khỏi bở ngở nơi xứ lạ quê người. Sau hai hôm viếng thăm thủ đô Ottawa, với rất nhiều hình ảnh kỷ niệm quanh những bức tượng lịch sử của Canada, chúng tôi đã bắt xe lửa về Montréal – Québec – Sherbrooke, bắt đầu cho một chuổi ngày dồi mài kinh sử nơi đại học Laval, Montreal, Poly, Sherbrooke : Tưởng rằng chỉ bốn năm thôi, nhưng có ai ngờ, năm mươi năm sau, trong thâm tâm tôi lúc nào cũng nghĩ là mình vẩn chưa học xong, và … đã lỗi hẹn với « quê-hương »!! 

Cách đây hơn một tháng, vào cuối tháng 05, tôi và anh bạn Lê Khắc Huy đã có dịp gặp nhau ở Ottawa, chúng tôi đã cố gắng tìm xem lại những bức tượng mà ngày xưa nhóm chúng tôi đã chụp rất nhiều hình kỷ niệm. Những bức tượng vẩn còn đó nhưng dường như đã bị phủ bởi lớp bụi thời gian – và rong rêu - sau một nửa thế kỷ…

Bùi văn Tâm

1 nhận xét:

  1. Thì ra.
    Có những bài viết mình chưa đọc, bây giờ mới thấm thía.
    Salut Tâm, tu as écrit comme ce que je voulais faire sans le pouvoir et je t'en remercie.
    Sais-tu que tu as des soeurs très gentilles.

    Viên

    Trả lờiXóa