Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Về tắm sông xưa



Khi còn bé, tuổi thơ thường mơ mộng được mau lớn, mau trưởng thành.  Học ở lớp thấp mong cho mau lên lớp cao.  Sống lâu ngày nơi làng quê nghèo, thành phố nhỏ, đất nước kém văn minh thấy quen thuộc, trông nhàm chán, tầm thương,… Ước ao một ngày được rời khỏi quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn,… để đến một thành thị phồn hoa, một đất nước phú cường, văn minh hiện đại hơn.  Cái tâm nó luôn sống trong thế giới vọng tưởng, nó luôn đi tìm, chạy đuổi theo cái bóng, hay một cái gì, gì đó ?  Không biết rõ bộ mặt thật của nó.  Vâng, một cái gì ấy.  Mãi đi tìm thôi… Thế rồi, một ngày họ mệt lã, chết khát bên một dòng sông.
Thật đúng vậy.  Sự tìm tòi, học hỏi tất nhiên cần thiết cho mỗi  người <biết> muốn đắp xây cái nền móng cũ để vương lên, tốt lành hơn và giữ thơm hồn cũ.  Không thể chối bỏ được cái mốc căn bản đó, nó là con đường huyết mạch phải đi qua.  Nhưng có những người đi qua là để đi qua cho biết.  Đi, để chơi cho vui, cho hết đời mình…thế thôi.  Thật uổng.
Năm ngoái, vào mùa Đông tôi có chút thời gian rảnh rỗi, ngồi xem tin tức trên mạng, đọc thư bạn,… rồi thấy một tin mời của người bạn họa sỹ, rủ có rảnh ghé qua chơi, xem tranh mới.   Ký tên,  Nguyễn Tài.
Đúng là có duyên: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,…”. Tôi cũng rảnh rỗi thật, vả lại cũng rất  mê tranh (xem thôi nhé ), nên được dịp là không chối từ, không ngại thời tiết giá băng.
Đến nơi làm việc của Nguyễn Tài, trong một thế giới <âm -địa / sous-sol> chật chội, ngổn ngang, toàn tranh và tranh, đủ loại, đủ cỡ, đủ chất liệu. Từ tranh trên giấy, đến tranh trên bố (toile), đến tranh trên gỗ.  Quả thật, một người có một sức sống…Có bước chân vào nơi chàng làm việc mới thấy năng lực sáng tạo, mới thấy được một chân trời, một sức sống thầm lặng, một ánh sáng trong cõi lãng quên.  Nguyễn Tài, thật là một kẻ say màu, một người nghiện sắc, đam mê trong sáng tạo. Quả thật, chàng là một con ong ham mê làm việc.  Con kiến bé nhỏ kiên nhẩn vác tha một hạt luá quá thân tạng của mình.  Công việc sáng tác của Tài như là sự ăn, sự thở, như là chất liệu dồi dào của thân cây phong (Érabre) tuôn rỉ ngày đêm cho chất ngọt…Bởi vì chàng có đời sống âm thầm, giản đơn để cùng hòa nhịp thở với nghệ thuật.
Ngồi trầm ngâm, nhìn ngắm từng bức tranh, mà chàng kệ nệ mang ra…nhiều không đếm xuể, từ thật nhỏ, đến thật lớn.  Từng thời kỳ này,  sang thời gian khác, đủ các sắc màu, từ rực rỡ chói chang, đến trầm mặc, qua thanh thản thơ mộng, có những bức sắt nét, tương phản mạnh bạo,… Tôi như bị chìm lặng trong sức cuốn cuồn cuộn của dòng thác sáng tạo, chừng như không ngừng nghỉ.  Tôi chợt buộc miệng hỏi một câu, làm phá vỡ cái không gian yên ả: - Không biết bạn có ăn, có ngủ không ?  Người ta ai cũng có hai mươi bốn giờ để sống và làm những công việc phải làm trong cái xã hội hiện đại tiên tiến,…Vậy,  làm sao bạn có thì giờ để sáng tác nhiều như thế ?
Chàng dừng tay, đưa mắt nhìn vào khoảng trời không, tư lự một lúc, rồi ngồi xuống ghế nghĩ chân.  Chàng thong thả nói:  Thật lòng mà nói với bồ, nhiều khi mình cũng có đặc câu hỏi đó với chính mình.  Thời giờ ở thời đại này, nó quý hiếm lắm, lo mọi công việc áo cơm và những việc nhà cửa, con cái xong, thời giờ nào còn lại là tôi dùng tất cả cho nghệ thuật, rất liên tục, bền bỉ.  Tôi phải bỏ đi cái thói la cà, đình đám không cần thiết. Nhưng chỉ biết có một điều, mình có nhiều an lạc trong phòng vẽ.  Sự yên tịnh giúp mình có nhiều suy tư cho sáng tạo.  Niềm hứng cảm của nghệ thuật nó thôi thúc ngày đêm, trong mọi chốn.  Lúc nào mình cũng có thể sáng tạo.  Vừa mới hoàn thành một tác phẩm mình thấy đẹp.  Cũng thích thú lắm,nhưng rồi, vài ba hôm sau cảm thấy như chưa thoả đáng, cảm thấy như vòng tròn chưa được đầy, kín.  Chinh vậy phải làm, làm nữa, làm cho ra cái chân tướng cái tự thể của nó.  Con đường nghệ thuật chân chính, theo mình nghĩ không dễ.  Cho nên,  mình chơi đùa dọc phá với chất liệu, màu sắc này nọ thì mới hy vọng sản sinh ra những điều mới lạ.  Nói đúng là, làm nghệ thuật như một trò chơi của con nít.  Vì khi con nít nó chơi, nó ham mê, nó lục lọi, nó chơi hoài mà không biết chán, không biết buồn ngủ.  Dường như tâm trạng của mình giống vậy.  Đúng là như thế bồ ạ !
Thế cuộc chơi của bạn đã bao nhiêu thời gian rồi ? – À.  Tôi mò mẫm, lần tìm đã ba mươi năm rồi.  Ấy vậy mà cũng chưa ra gì, chưa thấy gì.  Có lẽ, chọc thủng được một vài chấm sáng nhỏ ?  Tôi cảm như chưa thoát ra được cái vòng kìm toả vô hình.  Tôi có cảm giác như thế.
Bây giờ chàng khệ nệ mang ra một loạt tranh rất mới, rất ấn tượng:  Tranh trắng đen, trên gỗ, màu sắc, đường nét, bố cục mạnh bạo, mới lạ.  Tranh thực hiện với nhiều công sức: cưa, đục, cào cấu, đốt cháy, mài dũa,… Trông thật lạ kỳ, như không theo cái lề thói cổ xưa, như chối bỏ cái nề nếp, cái nguyên tắc, cái tỉ lệ vàng của cổ điển…nhưng mà đẹp, độc đáo, cách tân phong phú, đa ngôn.
Hai người ngồi yên lặng ngắm nhìn, tâm hồn như chìm lắng trong tranh.  Nhâm nhi tách trà, rồi chàng thố lộ tâm tình với loạt tranh mới rằng:  Tôi cưu mang đã hơn mười năm, cái sắc độ trắng đen, cái đường nét, mảng, khối, cái hòa quyện, cái cân đối, cái tương phản, tương liên, đôi khi chặt chẽ, đôi khi ơ hờ, như chưa hoàn tất, như quên lãng mà không lìa nhau được…mà đậm đà.  Thầm lặng nhưng dạt dào ngôn ngữ thì thầm.  Trông tỉnh lặng mà sinh động ẩn tàng.  Vâng, nó thoát thay từ những nét đẹp mỹ miều, mềm mại của cổ đìển của bút long.  Bồ có biết không ?  Tôi vô cùng thán phục đường cọ nhảy múa nhẹ nhàn trên mặt lụa, mặt giấy của những họa sư, họa tổ: thần tốc, vũ bão, dồn dập, khoan thai…đến khi ngọn bút dừng, hoàn thành.  Bấy giờ ngắm nhìn tranh, mới thấy hiển lộ lên một khung trời thanh tịnh, êm đềm và trong sáng.  Mới thấy cái hồn tịnh mặc trong cõi trần gian.  Nó thanh vắng mà ngân nga như một hồi chuông đại hồng trong rừng đêm u tịch.  Hùng tráng lắm, tuyệt bút.  Khi thưởng thức được nó, như uống một chum trà trong tĩnh lặng: cảm được vị thơm, cảm được ngụm trà chạy vào từng thớ thịt…và làm tôi hân hoan tiếp nhận được cái đẹp kỳ diệu, rất yên ả, đa ngôn rồi làm xao xuyến cả tâm hồn, làm rộn lên lòng đam mê, hứng khởi để đi đến một hành động.  Cưu mang một hoài bão, sẽ thực hiện một cái gì, làm một cái gì cho ngôn ngữ ấy được mới mẽ, được sinh động lại, được giàu có hơn lên.  Tôi muốn nối lại cái tâm tình của người xưa, là để tiếp xúc được với dòng sinh động nghệ thuật của tổ tiên.  Về tắm lại dòng sông xưa, là để tiếp tục cho được sứ mệnh trao truyền từ bao thế hệ trôi qua.  Về tắm lại sông xưa là để làm hòa nhịp hai luồng tâm tư kim- cổ.  Từ đó tôi luôn thao thức, mày mò, dọc phá với mọi chất liệu…tôi trầm mình vào dòng suy tưởng, tìm một ngôn ngữ thế nào cho dung hợp với hai nét đẹp Đông và Tây.  - Chàng trầm ngâm một lúc, lại nói tiếp:
Trắng đen là hai sắc độ tương phản mạnh, mà dung hợp.  Một ẩn tàng, một biểu hiện.  Nó tương tục và tương liên trong cái dòng sinh động của chính nó.  Như có ngày, thì phải có đêm, không thể rời nhau.  Hiện hữu cùng một lần để làm nên cái đẹp.
À !  Để tôi nói thêm một chút cho bồ nghe, cái quan niệm có tính cách lịch sử về lối tư duy của nghệ thuật cổ điển, tuyền thống.  Trong vùng Đông Á chúng ta có một văn hóa giao liên, ảnh hưởng qua lại.  Cái đẹp là mẩu mực chung: chân-thiện-mỹ.  Mà “Thiền Tông đã kích động mãnh liệt cho sự bồi dưỡng của các nghành nghệ thuật riêng biệt của Nhật Bản…” “…Để phát họa chung, xin nói lối vẽ Nhật Bản được gọi là <vẽ mực> (Sumiye / mặc hội)…” “…nghệ thuật mặc hội…không phải là lối vẽ nói theo nghĩa thông thường; nó là lối phác đen trắng; mực được làm bằng bồ hóng; cây cọ được làm bằng lông dê hay lông thỏ và lông thỏ thông dụng hơn vì nó hút mực nhiều; giấy được dùng là giấy mỏng và dễ thấm mực, khác xa với bố (toile/canvas) được dùng ở những họa sỹ sơn dầu, và sự khác biệt này rất có ý nghĩa cho nghệ sỹ mặc hội (sumiye).  Lý do tại sao người ta chọn một chất liệu không bền như thế để làm phương tiện chuyên chở một cảm hứng nghệ thuật; cảm hứng đó cần phải được ghi lên chất liệu kia càng lẹ càng tốt.  Nếu cây cọ kéo quá lâu nó sẽ làm thủng giấy.  Cái đường thẳng nên vẽ nhanh hết sức và rất ít nét, chỉ vẽ những đường nào tuyệt đối cần thiết.  Không được phép gò bó, tẩy xóa, vẽ lại, sửa lại, đổi lại, không nắn nót, không bố cục.  Khi đã thực hiện xong, những nét vẽ không thể bôi bỏ được, không thể sửa chữa được, không thể có bất cứ những kiểu chính hay cải tiến nào về sau..  Những gì đã đươc thực hiện kể từ đó hoặc gây ra cái nhìn tươi sáng hay khó chịu, đều tùy theo bản chất của loại giấy như thế nào đó.  Nghệ sỹ phải tuân theo cảm hứng của mình y nguyên trong vận chuyển ngẩu nhiên, tuyệt đối và khoảnh khắc của nó; ông chỉ việc để cho cánh tay, những ngón tay, và cây cọ của mình chạy theo cảm hứng đó y như chúng hoàn toàn là những công cụ, kể luôn cả con người của ông, đang ở trong tay của một kẻ nào đó đã chiếm hữu ông trong chốc lát.  Hoặc giả chúng ta co thể nói rằng cây cọ tự ý thực hiện tác phẩm hoàn toàn ở bên ngoài nghệ sỹ, ông ta chỉ việc để cho nó vận chuyển không cần đến những nỗ lực chú ý của mình.  Nếu có lý luận hay suy nghĩ gì xẩy ra giữa cây cọ và mảnh giấy, toàn bộ kết quả đều bị hư hỏng.  Mặc hội được tạo ra theo cách đó.
Người ta có thể nhận thấy dể dàng rằng những đường nét của mặc hội nhất định là biến ảo vô cùng, trong nó, không có tối sáng, không có gần xa.
Mặc hội, không có ý định nhắm tới thực tế.  Mặc hội cố ý làm cho tinh thần của một sự vật chuyển động trên giấy.  Như thế mỗi nét bút phải đánh nhịp theo mạch sống của một vật thể sống động.  Và nó cũng phải sống động.
Đương nhiên, mặc hội được điều khiển bởi một bộ các nguyên tắc khác hẳn với những nguyên tắc của tranh sơn dầu.  Nếu bức vải bố (toile/canvas) thuộc chất liệu bền và những màu sơn dầu cho phép bôi xóa hay vẽ chồng lên; một họa phẩm như thế được bố cục có hệ thống và được sắp đặt cẩn thận.”…Bồ thấy chưa, từ tinh thần cho đến vật chất, cái tư duy, cái biểu cảm nó có một khoảng cách xa vời vợi.  Chính ở cái không gian mênh mong này đã làm tôi trằn trọc, suy tư trong màn đêm u tối,…tìm gì để khoả lắp không gian kia,…tìm gì làm hoà hợp Đông Tây ?.  Chàng kể tiếp. “Rộng lớn trong quan niệm, và mạnh khi thực hiện, khỏi nói đến óc duy thực của nó, là những đặc điểm của tranh sơn dầu, có thể so sánh chúng với một hệ thống tư tưởng triết lý được suy diễn chín chắn, mỗi bên được kết sít sao bằng đường dây luận lý của nó; hoặc có thể đọ với một ngôi giáo đường lớn, những tường, cột, nền móng của nó được xây bằng những khối đá rắn chắc.  So sánh như thế, một nét phác mặc hội quả thực là nghèo nàn, nghèo trong hình thức, nghèo về nội dung, nghèo kỹ xảo, nghèo chất liệu, nhưng dân tộc Đông Phương cảm thấy trong nó hiện diện một tinh thần nào đó đang vận chuyển, bay lượn kỳ diệu quanh những đường, những điểm, những bóng mờ qua vô số biến thái; tiết nhịp hơi thở sống động của nó đang rung động trong chúng.”  
Chàng ngừng nói,  để hồn buâng khuâng vào chốn xa xưa, như để tìm một lời giải đáp thoả đáng cho dòng tranh mới nhất của anh.  Rồi anh tiếp: Đấy bồ thấy không, một quan niệm, một triết lý sáng tạo nghệ thuật, trông thấy thật đơn giản mà dứt khoát hẳn hoi, một sự cắt đứt, đoạn tuyệt với quá khứ, với tương lai.  Đó là trực nhận từ vô thức. một tâm thức vô trụ, thanh thản, tự do, không suy tìm.  Đây phải là một quá trình tu luyện thân tâm.  Là Thiền định đấy. 
Chúng ta đã dạo chơi trong dòng lịch sử, chúng ta đã có một ít khái niệm căn bản lề khoá của tổ, của sư rồi.  Vậy, con đường nối kết cho nhịp nhàn ăn khớp với cổ kim, như thế nào ? -   Trước tiên tôi cần xây dựng một tâm thức, trong một tinh thần lắng động, tâm buông thư, tự do, thong dong, kế đến là chất liệu và sau cùng là tư duy sáng tạo trong một khung cảnh của thế kỷ hai mươi mốt.  Đã ra đời và góp tay vào dòng sinh mệnh của kỷ nguyên hiện đại, tiên tiến,…dù muốn dù không mình cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến dòng tâm tư mới.  Tôi đã thử qua nhiều chất liệu, mà chưa cảm được cái tinh thần Đông -Tây.  Nó làm sao ấy, ngày đêm, lòng mãi thao thức, rồi một hôm bỗng dưng tôi nhớ đến gỗ, lòng mừng như gặp lại cố nhân.  Gỗ là một chất liệu xưa cổ, nó nồng ấn với tình người, nó đa dụng và phong phú sắc độ, mà lại đa ngôn.  Trong tranh tôi, được khai thác hoàn toàn trong một tinh thần mới mẽ, tự do, phóng khoáng, hiện đại, trái nghịch lại với những quan niệm người xưa.  Vật liệu xây dựng cho tác phẩm là màu acrylique, gỗ contreplaqué, thay thế mực tàu và giấy mỏng.  Máy toupie, bình gaz hàn, máy khoan, máy cưa, đục, thay thế cho bút long,…Với tất cả những vật liệu của thời đại, cứng, bền…Bây giờ đây, tôi cố để tâm tạo dựng nên những sắc độ dung hoà, đường nét  lưu chuyển, mảng khối, sắc độ tương hợp.  Chất gỗ phong phú, đa năng làm tăng nhịp chuyển giao liên rất tự nhiên.  Chất gỗ và độ đốt cháy rám, nó làm biểu hiện lên một tình hoài cổ man man, khắn khích vào dòng tâm tư kim- cổ và thiên nhiên.
Mới vừa nghe kể qua những vật liệu cứng chắc, bền vững, hiện đại, như có một nghịch lý vô cùng, không làm sao lắp được khoảng không mênh mông của kim và cổ.  Thế vậy, khi ngắm nhìn sâu, kỹ, đọc từng nét, từng mảng màu, sắc độ đâm nhạt, khối to, chấm nhỏ, đều rất tế nhị, hài hoà, buông lơ mà không xa vắng, nó tỉnh lặng mà dào dạt tiếng thì thầm.  Chàng có đôi bàn tay và mắt nhìn tinh tế, đưa óc sáng tạo bắt nhịp vận chuyển nhạy bén.  Có dòng suy tư, nghịch ngợm, phá phách mà dịu dàng, dung hợp.  Mỗi tác phẩm là một miền ký ức, là một khoảng trời xa lạ mà xem như đã quen.  Mỗi tác phẩm như là nơi trú ẩn cho tâm hồn, là vùng yên tịnh.
Những suy tư và vật chất rất nghịch lý của chàng đã xa rời, đã tách khỏi bờ bến trời Đông. Nhưng bút pháp, tinh thần trầm lặng của chàng đã khéo léo rót vào, in đậm nét lên từng mảnh gỗ, rồi làm khơi nhẹ lên một thoảng hương trời Đông u tịch.  Nhìn vào khiá cạnh vật chất có tính nghịch lý với tinh thần sáng tạo Đông Phương.  Nhìn vào từng nét bút sắt cứng cáp mạnh bạo, nét cưa ẻo lả sinh động, chất rám nâu cổ kính mà mộc mạc đậm đà, mảng đen to lớn mà cân xứng với điểm chấm tí ti, những hình tượng ẩn hiện sương khói, như xa, như gần, như nắm bắt được, như lờ lững trong trí nhớ…nhìn chung, đọc kỹ trong từng tác phẩm, thì lòng mới cảm nhận được cai hồn xưa phản phất trong tranh, mới thấy một Nguyễn Tài giàu lòng hoài cổ, một người kiên cường vì nghệ thuật, đam mê chỉ một con đường sáng tạo. Yêu nàng thật thà không dối trá.  Như:
Mưa giăng chiều, lạnh giá,
Lòng chạnh nhớ, người xa
Ai qua rồi, xa vắng
Ai nhớ ai, mưa chiều rơi.
Đó mới chính là nét đậm tronh không gian tranh Nguyễn Tài.
Xem qua một loạt tranh trắng đen trên gỗ của Nguyễn Tài, mới thấy được một chân trời, mới tiếp nhận được một luồng gió mát, một tâm tư tĩnh lặng, một cấu trúc giản đơn.  Như những đoá hoa thường, lạ xa xăm trong vùng quên lãng.  Như những bóng mát yên ả nơi đồng quê quạnh vắng.
Vâng, đó chính là chủ đề loạt tranh trắng đen trên gỗ:< Bóng mát bình yên / L’ombre de paix >.

Ngu – Ý ,  Montréal, 14-06-2011.
*Những dòng chữ nghiêng, trích trong Thiền Luận, tập Hạ ( 3) của Daisetz Teitaro Suzuki.  Bản dịch của Tuệ Sỹ.  Cơ sở xuất bản Đại Nam-1973.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét